Hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ đối với mỗi người là hết sức quan trọng. Bởi vậy, giáo dục các em học sinh về tầm quan trọng, giá trị của sách, hướng dẫn các em phương pháp, kỹ năng đọc, xây dựng và phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ hàng đầu trong nhà trường. Biết yêu quý và trân trọng sách nghĩa là biết nâng niu gìn giữ di sản trí tuệ mà cha ông đã gửi lại, biết trân quý bao tri thức mà các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đã đúc kết tinh túy vào trong trang sách, từ đó các em biết trân trọng giá trị của cuộc sống, bồi đắp tâm hồn mình bằng những tình cảm nhân văn cao đẹp.
Việc tạo ra được một thói quen cho các em là một việc làm khó, đòi hỏi tính kiên trì của giáo viên. Trước hết bản thân giáo viên phải biết đam mê đọc sách và xây dựng cho mình văn hóa đọc. Từ đó mới truyền ngọn lửa đam mê cho các em và hướng dẫn các em đọc sách tốt. Một giáo viên kể chuyện hay thì sẽ tạo được sự tò mò cho các em, từ đó các em tìm sách để đọc và kể theo thầy.
Không chỉ dừng lại việc khuyến khích các em đọc sách mà phải cùng đọc với các em, hướng dẫn các em lựa chọn sách, hướng dẫn các em cách đọc và cùng trao đổi với các em về ý nghĩa, nội dung cuốn sách vừa đọc. Có như thế mới giúp các em cảm thụ được giá trị của quyển sách và hình thành được văn hóa đọc trong các em.
Vậy muốn các em có thói quen đọc sách trước hết giáo viên và cha mẹ học sinh phải làm gương trong việc đọc sách, hướng dẫn các em lựa chọn sách, cách đọc và tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho các em đọc.
Ngoài việc đọc sách tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy, giáo viên cũng thường xuyên nghiên cứu và đọc các loại sách truyện thiếu nhi, sách khoa học phù hợp với lứa tuổi học trò để nắm bắt, hiểu rõ tâm sinh lí của các em, giúp phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy cũng như sự gắn kết giữa cô trò.
Nhà trường bố trí kệ sách với đa dạng các thể loại được sắp xếp gọn gàng ở góc hành lang từng tầng lầu giúp giáo viên đọc sách thuận tiện vào những giờ trống tiết hay giờ nghỉ giải lao. Việc làm này được duy trì thường xuyên hình thành thói quen đọc sách tốt. Giáo viên là những tấm gương mẫu mực trong việc xây dựng thói quen, sự thích thú, say mê đọc sách của học sinh.
Đọc sách là thói quen, là sở thích, niềm vui, và hơn nữa tạo thành một nét đẹp văn hóa. Đọc sách là tiêu thụ và quảng bá các giá trị văn hóa. Vì thế, có thể xem văn hóa đọc là một chỉ số văn hóa của nhà trường, cộng đồng, xã hội.